HUYỀN THOẠI MEGAPIXEL



Digital Camera

HUYỀN THOẠI MEGAPIXEL

Huỳnh Chiếu Ðẳng

huy017@

-----

Loạt bài về digital camera được bà con hưởng ứng khá nhiều. Có lẽ vì hiện nay hầu hết mọi gia đình ở đây đều có ít nhất một cái digital camera. Ðể đáp ứng những câu hỏi của quí bằng hữu tôi viết thêm bài nầy nói về huyền thoại megapixel. Cũng như tất cả các bài viết khác, tôi xin được dùng từ ngữ phổ thông không khoa bảng để ai đọc cũng hiểu, cũng như không dịch những từ ngữ chuyên môn ra tiếng Việt, xin quí bạn nhà nghề đừng cười. Bài nầy có hai phần, phần chánh là huyền thoại về megapixel, và phần phụ là huyền thoại về kiểu chụp ảnh manual. Xin bắt đầu từ chi tiết kỹ thuật căn bản.

1. Pixel

Pixel (Picture Element) xin hiểu là một điểm chứa data như là màu gì, đậm lợt cở nào… Các pixel nằm sát nhau tạo ra hình ảnh. Ở thí dụ trong hình bên cạnh mỗi đèn LED được coi là một pixel chúng phát sáng theo thứ tự nào đó sẽ tạo ra ảnh hay chữ. Ở đây các LED nằm xa nhau nên quí vị thấy từ chấm một. Nếu như người ta chế tạo những đèn LED thật nhỏ và đặt thật gần nhau thì thì ảnh sẽ sắc nét hơn, sẽ không còn thấy từ chấm khi nhìn từ một khoảng cách đủ xa (quí vị nhìn tấm hình có chữ Open). Hôm nào quí vị lấy cái kính loup đặt sát màn ảnh TV hay monitor xem thử coi, quí vị thấy chữ hay hình đều được tạo ra bằng các pixel (điểm) phát sáng. Nếu không có kính sẳn lúp, quí vị lấy 1 giọt nước rải lên mặt monotor cũng được. Nhớ là 1 giọt thôi nghe, điện và nước không ưa nhau đâu.

Từ đó chúng ta thấy rằng nếu số lượng pixel trên tấm ảnh càng nhiều thì ảnh càng sắc nét. Do đó các máy digital camera càng về sau nầy càng cho phép chụp những tấm ảnh có số pixel cao. Ngày nay máy digital camera thông thường cho ảnh khoảng 5 megapixel . MP là chữ viết tắt của megapixel, một triệu pixel. Ða số chúng ta cho rằng con số nầy càng lớn thì máy ảnh càng cho ảnh đẹp. Ðiều nầy vừa đúng vừa sai. Trong bài nầy tôi muốn nói với quí vị một vài điều về huyền thoại megapixel.

Ngày xưa máy hình ghi ảnh vào film âm bản, ánh sáng xuyên qua ống kính focus vào mặt film. Ngày nay digital camera lấy ảnh vào cái chip có tên là CCD (charge-coupled device). Ánh sáng đi xuyên qua ống kính focus vào mặt CCD (hình bên cạnh là cái CCD của hãng Sharp 6MP). Trên mặt CCD là những “điểm” đổi ánh sáng ra tín hiệu điện và từ đó tạo ra ảnh. Chúng ta tạm coi mỗi “điểm nhạy sáng” (Light Sensitive Area) trên mặt CCD tạo ra một pixel trên mặt ảnh. Do vậy cái CCD là bộ phận rất quan trọng trong digital camera mà đa số người mua máy ảnh bỏ qua không để ý tới.

Trên nguyên tắc cái CCD có diện tích càng lớn càng cho ảnh ít noise và có độ nhạy ISO cao (ISO, film gọi là ASA) . Giải thích thì dài dòng, xin cứ nhìn tấm ảnh bên cạnh đây sẽ thấy noise. Cái áo trong hình chỉ có một màu duy nhất nhưng noise làm cho nó trở thành “rằn ri”. Có điều trái ngược là nếu cái diện tích của CCD sensor lớn thì ống kính máy ảnh phải to, làm cho cái digital camera sẽ to và nặng, trong khi thị hiếu của đa số người tiêu thụ thích máy ảnh gọn và nhẹ. Tới đây quí bạn có thể bỏ qua đoạn ngay bên dưới, mà đọc tiếp ở phần Resolution ở đoạn 2.

Các vị trong nghề thường lưu ý tới độ lớn của cái CCD sensor, nhưng lại lọt vô từ ngữ “bí hiểm” nên đa số cũng chịu thua, hoặc có biết nhưng vẫn chưa rõ ràng. Không tin hôm nào quí vị hỏi thử một người chụp ảnh nhà nghề hay các amateur rằng trong specification của máy ảnh ghi CCD sensor: 1/1.8” nghĩa là sao. Tôi tin là nhiều vị không trả lời minh bạch được. Sau đây là bản trả lời cho con số vô nghĩa nói trên.

Compact camera CCD pixel pitch & area compared (bản 1)

|CCD |Pixel count |Sensor size |Pixel pitch |Max. pixel |

|Type | |(mm) | |diện tích |

|1/1.8" |3.3 million |7.2 x 5.3 |3.5 µm |12.3 µm² |

|1/1.8" |4.1 million |7.2 x 5.3 |3.1 µm |9.6 µm² |

|1/1.8" |5.2 million |7.2 x 5.3 |2.8 µm |7.8 µm² |

|1/1.8" |6.3 million |7.2 x 5.3 |2.5 µm |6.3 µm² |

|2/3" |5.2 million |8.8 x 6.6 |3.4 µm |11.6 µm² |

|2/3" |8.0 million |8.8 x 6.6 |2.7 µm |7.3 µm² |

Quí vị để ý các con số trong cột CCD type trong bản bên trên. Ðó là những con số bí hiểm, nó được đặt tên theo xưa, lúc sensor là bóng đèn chân không. Hình bên cạnh cho thấy vùng lấy ảnh (màu vàng) nằm trên bóng thu hình (vòng tròn). Quí vị chớ tìm hiểu mấy con số kỳ bí nầy làm chi, chỉ cần biết sensor type 1/2.7” có kích thước là 5,27 mm x 3,96 mm . Hoặc là sensor type 4/3” có diện tích là 18 mm x 13,5 mm .

Ðây là cái CCD sensor rất lớn được dùng trong cái máy Digital SLR - Lumix DMC-L1 (Panasonic) mới ra.

Sau đây là bản ghi sự liên hệ giữa type và kích thước của cái CCD sensor:

|Sensor |Aspect Ratio |Dia. (mm) |Diagonal |Width |Height |

|Type | | | | | |

|1/3.6" |4:3 |7.056 |5.000 |4.000 |3.000 |

|1/3.2" |4:3 |7.938 |5.680 |4.536 |3.416 |

|1/3" |4:3 |8.467 |6.000 |4.800 |3.600 |

|1/2.7" |4:3 |9.407 |6.592 |5.270 |3.960 |

|1/2" |4:3 |12.700 |8.000 |6.400 |4.800 |

|1/1.8" |4:3 |14.111 |8.933 |7.176 |5.319 |

|2/3" |4:3 |16.933 |11.000 |8.800 |6.600 |

|1" |4:3 |25.400 |16.000 |12.800 |9.600 |

|4/3" |4:3 |33.867 |22.500 |18.000 |13.500 |

|[pic] |

|APS-C |3:2 |n/a |30.100 |25.100 |16.700 |

|35 mm |3:2 |n/a |43.300 |36.000 |24.000 |

|645 |4:3 |n/a |69.700 |56.000 |41.500 |

Bây giờ tới chi tiết cần quan tâm. Quí vị thấy ở bản 1 hai cái CCD sensor cùng là 5.2 MP như nhau, nhưng cái type 1/1.8” có khoảng cách giữa hai pixel là 2.8 µm (1 micron= 1 micrometer = 1/1000000 m), còn cái type 2/3” có khoảng cách giửa hai pixel là 3.4 µm. Cái sensor 2/3” nầy cho ảnh ít noise hơn cái sensor 1/1.8”. Cái 2/3” có độ nhạy ISO cao hơn cái 1/1.8”. Dân nhà nghề bao giờ cũng chọn máy ảnh có sensor lớn (diện tích) và điều mong ước của họ là cái sensor có diện tích bằng với film 35mm, nghĩa là có diện tích là 36mm x 24mm, Nói thêm một số máy digital camera SLR (single lens reflex) hiện nay được gắn CCD sensor lớn cở tấm film 35mm, và body của nó có thể gắn ống kính của máy chụp film 35 mm ngày trước. Ðó là điều mấy vị nhà nghề ham thích, vì quí vị đó có thể dùng tới các ống kính sắm từ vài ba chục năm trước. Chắc quí bạn tay ngang đọc đoạn nói về CCD nầy chỉ hiểu lõm bõm thôi, đáng lẽ tôi bỏ nó ra ngoài. Nhưng quí bạn nhà nghề có khi rất quan tâm tới chúng, do vậy tôi viết rõ về con số type vô nghĩa và bí hiểm ra đây luôn.

2. Resolution. (Linear Resolution) Có ba phần khác nhau:

a. Image Resolution

Ðây là con số đo coi trong tấm ảnh digital có được bao nhiêu pixel. Thí dụ digital camera 3,2 megapixelchụp được tấm ảnh ngang 2048 pixel và cao 1536 pixel. Bản bên dưới cho thấy sự liên hệ giữa digital image resolution và megapixel của máy ảnh.

|Máy ảnh: |7 MP: |

| |3072 x 2304 pixels |

| | |

| |5 MP |

| |2592 x 1944 pixels |

| | |

| |3.2 MP |

| |2048 x 1536 pixels |

| | |

| |2 MP |

| |1600 x 1200 pixels |

| | |

| |0.3 MP |

| |640 x 480 pixels |

| | |

Chúng ta cứ nghĩ rằng cái máy ảnh 7MP rất tốt so với cái máy 5MP chớ gì. Không phải vậy đâu vì số pixel theo chiều ngang của máy 7MP chỉ hơn số pixel theo chiều ngang của máy 5MP có 480 pixel mà thôi (3072-2592=480). Con số nầy quả thật không đáng kể. Và câu hỏi đặt ra kế tiếp là chúng ta có cần tới máy 7 MP hay 8MP không? Sẽ trả lời quí vị dần dần về sau.

b. Print Resolution:

Hầu hết các printer đều in ảnh với resolution là 200-300 pixel/inch, tức là 300 PPI (còn gọi là dpi=dots per inch). Nghĩa là đa số máy in chỉ in được 300 pixel trên 1 inch chiều dài. Qúi vị đọc tới đây phản đối liền là sao các máy printer Epson Stylus Photo R1800 quảng cáo là in được tới 5760 dpi. Ðó là hãng máy in gạt người tiêu thụ. Thật ra thì các nozzle của máy inkjet printer có khả năng đặt 5760 giọt mực tí ti lên chiều dài 1 inch của trang giấy, nhưng trong thực tế các giọt mực tí ti nầy nằm đè lên nhau. Khả năng hiện giờ của các máy printer chỉ cho được 300 pixel trên 1 inch chiều dài mà thôi. Trong thực tế người ta cũng không cần con số lớn hơn 300dpi, vì tấm ảnh in cở nầy sắc sảo rõ nét vô cùng. Chắc quí vị lấy làm lạ lắm, xin thưa cái Canon SELPHY Compact Photo Printer CP510 (nhóm dye diffusion printer, khác kỹ thuật inkjet printer) in được tối đa 300 dpi chớ mấy, vậy mà tấm ảnh in ra đâu chê được chỗ nào.

Vậy thì máy ảnh 3.2MP có khả năng in được tấm ảnh ra giấy bao lớn. Tính như thế nầy lấy số 2048 chia số 300 được gần bằng 7 inch. Vậy với máy 3.2 MP chúng ta có thể in ra giấy được tấm ảnh photo quality 5”x7”. Tôi hỏi quí vị có khi nào in tất cả ảnh digital ra giấy cở 5”x7” hết không. Câu trả lời là không, đa số chỉ in ra 4”x6” hoặc chỉ coi trên computer hay trên TV thôi. Vậy thì với đa số chúng ta có nên mua máy ảnh lớn hơn 3.2 MP không. Sẽ trả lời bên dưới.

c. Screen Resolution:

Hầu hết các computer screens ngày nay đều hiện hình với lineare resolution là 96 dpi. Thông thường cách nay hai năm màn ảnh computer thường được set là 800 x 600 (tức là 0, 48MP). Do đó máy digital camera nào chụp hơn 0,48MP đều trở thành dư thừa đối với hình display trên computer. Ngày nay với màn ảnh LCD có khi quí vị set 1280 x 1024 ( =1,3MP). Vậy thì digital camera 2 MP đã quá dư để cho hình display trên màn ảnh computer. Ngày nay có mấy ai mua hay bán máy hình 2MP đâu, toàn là 5MP, 6MP, 7MP… và tương lai sẽ 100MP (tôi nói đùa thôi).

3. Kết Luận

Vậy thì quí bạn hỏi kết luận bài nầy ra sao? Thưa quí bạn là cái gọi là megapixel được người tiêu thụ quan trọng hoá. Các hãng sản xuất digital camera cũng từ đó mà tranh đua nhau tăng số megapixel lên để câu khách. Qúi bạn có thấy hiện giờ thiếu chi máy 5MP và 6MP bán trên dưới $150, trong khi đó cũng có máy 3,2MP bán tới $300 và máy 5MP bán tới $500, có khi nào quí bạn thắc mắc tại sao như vậy không?

Ở phần trên tôi đã trình bày cùng quí vị về lý thuyết và sau đó là thực tế trên hình in ra giấy, trên hình display trên màn ảnh computer, trên TV (TV và computer screen có resolution tương tợ nhau). Tất cả đều cho thấy chúng ta ít khi cần tới máy ảnh lớn hơn 3,2MP. Nhưng nếu quí bạn hỏi tôi nên mua máy cở nào, xin thưa rằng cở 5 megapixel thì vừa, lý do là có khi quí bạn cần in ra 8”x10” hay có khi crop bớt phần dư thừa trên ảnh. Dĩ nhiên nếu quí bạn dư tiền thì mua máy digital camera có số megapixel cao hơn nhiều cũng chẳng hại chi.

Xin đừng mặc cảm khi xách cái máy 3,2 MP hoặc 2MP đi vào đám đông, vào lớp nhiếp ảnh. Quí bạn đừng có “tự ái” khi khi thấy đa số bà con chung quanh mang cái máy digital camera “xịn” từ 7MP đổ lên. Máy digital camera còn nhiều đặc tính khác quan trọng hơn là cái gọi là megapixel. Ðúng vậy chụp ảnh có hai phần: thứ nhất là kỹ thuật và thứ hai là mỹ thuật. Máy ảnh “xịn” không hẳn cho ảnh đẹp, cũng như giàn máy hát nhạc “xịn” chưa chắc phát ra âm thanh đáng nghe dưới tay người vặn nút lung tung. Và tấm hình chụp toàn hảo về kỹ thuật chưa chắc là tấm ảnh đẹp.

Nhân nói về nhạc tôi nhớ tới mấy tay “bảo hoàng hơn vua” chê các amplifier ngày nay (solid-state) phát ra âm thanh thua amplifier chạy bóng điện tử của 50 năm trước, cũng như cho là các CD (digital compact disc) ngày nay phát nhạc thua xa dĩa 33 tours hay 45 tours ngày trước. Trong lãnh vực nhiếp ảnh cũng vậy. Mấy tay bảo thủ quá đáng cũng khăng khăng cho rằng máy digital camera ngày nay chụp ảnh thua xa máy film thời trước. Nếu quí vị hỏi, tôi xin đáp rằng máy digital camera ngày nay cho ảnh ăn đứt các máy chụp film về kỹ thuật như là màu sắc, độ mịn, độ trong của tấm ảnh. Digital camera hiện giờ đã bỏ xa máy film 35mm và có khi đã qua mặt máy chụp loại film lớn như 6x6 hay 6x9 nữa. Ðọc tới đây thiếu chi người chơi ảnh phản đối. Nhưng trong nhu cầu thực tế của xã hội, máy chụp film đã là lịch sử rồi. Lý do là vì máy chụp film thua máy digital camera mọi mặt từ tiện dụng cho tới kỹ thuật. Không tin tôi quí bạn mở các tấm ảnh cũ của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng xưa nay chụp bằng máy ảnh xuất sắc nhất thời trước như Leica, Nikon, Rollei … so với mấy tấm ảnh chụp bằng máy digital camera của một người tay mơ xem thử coi về kỹ thuật ai hơn ai là biết liền. Khoan, quí vị bảo thủ chớ la làng, mở thử các tạp chí về photography ngày nay ra đọc đi, coi thử các chuyên viên thượng thặng nói sao. Hôm nào có hứng tôi sẽ viết về Huyền Thoại Máy Ảnh Chụp Film.

4. Huyền Thoại “Manual”

Tôi định viết riêng một bài về “Huyền Thoại Manual”, nhưng như vậy sẽ loãng đi và mất hay, xin được nối tiếp ở đây một phần nhỏ, để chọc các vị nhiếp ảnh gia bảo thủ quá đáng chơi. Nhớ lại ngày xưa máy ảnh hoàn toàn “trơ trụi”, nhiếp ảnh gia phải tự mình lấy khẩu độ (cho ánh sáng vào nhiều hay ít), lấy vận tốc nhảy (cho ăn với khẩu độ, hay ngược lại), xong lấy thước cho ảnh sắc nét hay nhoè đi theo nhu cầu. Ðây là lối chụp hình mà trong nghề ảnh gọi là chụp manual 100%. Thời nầy muốn chụp automatic cũng chẳng được và do đó vị nào chụp tấm ảnh in ra coi được thì tự hào lắm rồi. Ða số tay ngang chụp ra tấm ảnh đen thui hay trắng bạch. Ngày nay trẻ con 4 tuổi cầm cái digital camera bấm đại, ảnh cũng hơn hẳn ảnh manual ngày xưa.

Sau đó khoa học tiến bộ, máy ảnh được gắn thêm cái quang kế (đồng hồ đo ánh sáng) để giúp người ảnh đở vất vả đoán chừng độ sáng. Cùng lúc máy ảnh trang bị thêm cái telemeter (đo khoảng cách) để giúp người ảnh khỏi đoán chừng khoảng cách từ người mẫu tới mặt film. Lúc đó đồng hồ chỉ cho biết các thông số nầy thôi. Còn “vặn máy” phải do con người làm. Cho tới bây giờ digital camera dựa vào các thông số đo được tự set máy ảnh. Nó đã giải phóng con người khỏi lệ thuộc vào những thứ vô ích. Người ảnh được tự do lấy góc, lấy khung cho đẹp và bấm máy đúng lúc mà thôi. Dễ như vậy mà đa số quí vị tay ngang bấm cũng không đúng luôn: quí vị quên rằng nút bấm của máy ảnh có hai bực, phải bấm xuống nửa chừng giữ đó tí xíu mới bấm tiếp. Ða số “bấm cái cụp”, đến máy cũng chịu thua. Cái nút bấm nhỏ nầy coi vậy mà rắc rối. Xin nhắc lại: bấm xuống nửa chừng để máy ảnh kịp lấy thước, lấy ánh sáng, bấm xuống hết để lấy ảnh, còn như bấm và giữ tay lại thì tuỳ, nó có thể là giữ tấm ảnh vừa chụp trên LCD để quí vị nhìn lại, hoặc nó cũng có thể là lịnh chụp một hơi mươi tấm ảnh liên tục cho tới khi quí vị buông tay ra.

Xin trở lại, chắc có bạn từng nghe vài vị nhiếp ảnh gia bảo thủ chê máy ảnh automatic ngày nay. Họ cho rằng chỉ có chụp manual hoàn toàn mới lấy được ảnh đẹp. Thấy ai vặn máy lại chữ A (automatic) hay bất cứ chữ gì khác hơn chữ M (manual) là họ cho là tay mơ. Mà cũng đúng đa số độc giả cũng như tôi đều là tay mơ, đâu đoán nổi độ sáng, đâu đoán nổi khoảng cách chính xác bằng mắt trần. Xin hỏi quí độc giả vậy chớ ngày nay quí bạn có thấy siêu thị nào dùng bàn toán Tàu, hay cây viết chấm mực ngòi lá tre để cộng tiền cho khách hàng khi ra cửa không? Chắc là không. Nhưng thưa quí vị ngày nay còn những người bào thủ như vậy trong làng chơi ảnh. Ðó là những người “dị ứng automatic”. Tôi ngạc nhiên khi thấy quí vị bảo thủ chê món automatic hay program mà lại dùng đèn flash thay vì dùng bột magnesium đổ vô tờ giấy rồi châm lửa như một trăm năm trước.

Những vị nầy cho rằng phải chụp manual 100% mới được ảnh đẹp. cho rằng rằng cặp mắt mình đoán được độ sáng nhạy hơn quang kế hay đoán khoảng cách hay hơn các máy đo laser hoặc siêu âm. Theo ý kiến một người bạn chơi ảnh từ khi 10 tuổi tới bạc đầu thì những vị bảo thủ quá mức nầy muốn tìm con đường khó khăn để đi, rồi tự hào rằng chỉ có họ mới làm được chuyện khó khăn như vậy. Quí vị bảo thủ “dị ứng” đến cái độ tưởng rằng cách chụp theo program (semi-automatic) không thể lấy ảnh một coureur xe đạp sao cho xe và người rõ, còn cảnh vật bên đường nhoè vì vận tốc cao. Quí vị đó tưởng rằng không thể nào dùng program để chụp cho gương mặt người mẫu sắc nét bên cạnh cành hoa mờ nhạt đi, tưởng rằng không thể dùng program để chụp rõ mặt người mẫu đứng trái sáng, mặt trời chiếu sau lưng, tưởng rằng không thể dùng program để chụp đứng được cảnh thủ quân nhào tới chụp banh nhanh như chóp, còn nữa… Thưa các bạn ở tất cả những tình huống nầy, chúng ta đều chụp theo program dễ dàng và nhanh trong nháy mắt. Trong các điều kiện nầy quí vị manual còn rị mọ đoán khoảng cách, đoán độ sáng, tính toán vận tốc, rồi rị mọ vặn hết nút nầy tới nút nọ, đến khi bấm máy ảnh thì nụ cười người mẫu đã hết tươi. Thiếu chi lần quí vị nầy chụp cảnh vật, đoán già đoán non ánh sáng, set máy xong thì môt cụm mây chợt bay qua che khuất ánh mặt trời, thế là rị mọ set lại.

Tôi tin rằng quí vị “dị ứng automatic” không biết rằng ngày nay một số máy ảnh chụp một lần năm ba tấm ảnh, xong nó tính toán coi tấm nào đúng nhất dựa theo histogram, dựa theo độ sắc nét và dựa theo nhiều thông số khác và chỉ save vào memory tấm ảnh đúng nhất mà thôi. Qúi vị nầy cũng không biết rằng có những máy digital camera ngày nay có trí khôn. Ðưa máy lên trước một cảnh vật, máy ảnh sẽ dựa vào các chi tiết trong cảnh mà biết rằng chúng ta định chụp cái gì (thí dụ như portrait, chụp nhóm người, chụp phong cảnh, chụp một cành hoa, môt cánh bướm. một cảnh đêm trăng...) để rồi nó dựa vào program chứa sẳn trong memory mà set máy tối ưu theo từng hoàn cảnh.

Xin mở ngoặc nhắc bạn đọc tay ngang là cái máy ảnh bình thường nhất cũng có sẳn năm bảy cái program do nhà chế tạo set trước: thí dụ quí vị vặn nút qua chỗ có hình hòn núi, máy ảnh sẽ set khẩu độ nhỏ tối đa để cho cảnh vật rõ nét từ trước mặt quí bạn cho tới chân trời. Thí dụ quí bạn vặn nút lại hình cái mặt người thì máy ảnh biết quí bạn định chụp portrait, nó set máy cho khẩu độ lớn tối đa để mặt người thì rõ nét và đúng sáng, còn cảnh vật chung quanh thì nhoè đi (mà cũng có thể rõ hết nếu muốn). Thí dụ quí bạn vặn nút lại chỗ hình người đang chạy máy ảnh sẻ tự set sao cho ảnh vận động viên rõ nét dầu đang chạy thật nhanh (hoặc nhoè đi để biểu lộ vận tốc)…Máy nào cũng có năm ba cái program set sẳn với máy mắc tiền có khi lên tới vài chục cái để giúp cho người ảnh khỏi phải lo đến những chi tiết kỹ thuật. Xin quí vị bảo thủ cực kỳ chớ giận, hôm nào quí vị dùng cái máy ảnh “xịn” của quí vị chụp manual 100% cảnh vật dưới ánh trăng rằm rồi so tấm ảnh đó với tấm ảnh của một tay mơ chụp bằng cái digital camera rẻ tiền coi ai hơn ai, ai chụp nhanh hơn ai. Câu trả lời quí vị biết rồi phải không.

Mà thôi, mục đích của hai kiểu chụp ảnh semi-automatic (program) hoặc manual cũng chỉ để thu được tấm ảnh đẹp mà thôi. Cả hai trường phái đều chụp được ảnh đẹp. Cũng tỷ như mục tiêu của chúng ta là đi về thăm quê hương, nhưng một người thì nhất định đi tàu buồm chớ không ưa ngồi máy bay, còn một người thì thích đi máy bay mà chê tàu buồm. Theo tôi phần khá quan trọng trong nghề chơi ảnh là bấm máy đúng lúc, nếu cứ bận tâm vào việc tính toán để set manual thì phần bố cục bị xao lãng phần nào, mà thời cơ bấm máy cũng có khi qua đi. Sao bằng “bấm cái rột” máy digital camera chụp năm bảy tấm ảnh liên tục, về nhà chọn ra tấm đầu tiên lúc nụ cười người mẫu mới chớm cho tới tấm chót nụ cười vừa tàn, coi tấm nào đẹp nhất thì lấy. Nếu cứ chĩa máy vô mặt người mẫu mà tính tính toán toán, về xem lại hình chụp, thấy mặt người mẫu sượng trân. Lối chụp liên thanh thường được các nhiếp ảnh gia dùng để lấy ảnh cho các hãng quảng cáo. Người mẫu đứng trên bãi biển vừa quay người cho tà áo bay theo gió là người ảnh giữ nút bấm, cái digital camera lấy một hơi mươi tấm ảnh liên tục, đem về lựa tấm nào bay bướm nhất thì chọn. Thì giờ là tiền bạc mà. Ủa, chụp ảnh kiểu nầy thì làm sao gọi là chụp kiểu manual 100% cho được, mà đã không chụp manual 100% thì làm sao có được ảnh đẹp. Ðể quí bạn độc giả trả lời. Huỳnh chiếu Ðẳng (26-Feb-2006)

................
................

In order to avoid copyright disputes, this page is only a partial summary.

Google Online Preview   Download

To fulfill the demand for quickly locating and searching documents.

It is intelligent file search solution for home and business.

Literature Lottery

Related searches